Mới đây, tờ Bloomberg đã dẫn một nguồn tin thân cận cho biết một trong những những đơn vị chào mua tiềm năng cuối cùng cho hoạt động kinh doanh của Công ty cho vay tiêu dùng Home Credit tại Việt Nam là các ngân hàng lớn nhất Thái Lan: Kasikornbank và SCB X PCL. Bên cạnh đó, còn có đơn vị trực thuộc tập đoàn tài chính KB của Hàn Quốc là Ngân hàng KB Koomin cũng đã bước vào vòng đàm phán tiếp theo.

Theo các nguồn tin, mục tiêu của Home Credit là sẽ xác định xong người mua với mảng kinh doanh tại Việt Nam trước khi năm 2023 kết thúc. Các cuộc xem xét đang diễn ra và những người mua tiềm năng có thể quyết định không chào mua nữa, còn phía Home Credit cũng có thể giữ tài sản lâu hơn. Thương vụ này có giá trị rơi vào khoảng 700 triệu USD.

Tham vọng của những “ông lớn” quốc tế khi mạnh tay mua lại công ty tài chính Việt Nam
Nhiều ngân hàng nước ngoài tranh mua Home Credit Việt Nam

Một trong những nguồn tin thân cận với KBank chia sẻ với Bloomberg: “KBank hiện đang vận hành giải pháp KBank Biz Loan, một dịch vụ tín dụng dành cho các cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ. Thỏa thuận tiềm năng với Home Credit sẽ cho phép ngân hàng thúc đẩy các dịch vụ tài chính cho các khách hàng doanh nghiệp nhỏ”.

Theo Chủ tịch KBank Pipit Aneaknithi chia sẻ với báo chí gần đây, nhà băng này xem Việt Nam là trọng điểm phát triển của khu vực Đông Nam Á. Người đứng đầu KBank cho hay ngân hàng đã thấy được cơ hội khi có hơn 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là SME, tuy nhiên chỉ chiếm 20% thị phần về cơ cấu thị trường vốn tín dụng.

Thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group - tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản là AEON Financial Service Co., Ltd. gần đây cũng đã chi 4.300 tỷ đồng để mua lại Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) từ SeABank.

AEON Group là một thế lực lớn trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Tập đoàn này cho biết đã đầu tư hơn 1,18 tỷ USD vào nước ta, số vốn lớn nhất mà tập đoàn đã đầu tư trên toàn cầu. Hiện nay, AEON có 6 trung tâm thương mại tại Việt Nam, chủ yếu rải rác ở các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội và TP HCM. Tập đoàn này dự kiến mở một trung tâm thương mại tại Huế vào năm sau.

Tham vọng của những “ông lớn” quốc tế khi mạnh tay mua lại công ty tài chính Việt Nam
Tại Việt Nam, AEON Group là một thế lực lớn trong lĩnh vực bán lẻ

Trước đó, ông Masaki Suzuki, Chủ tịch AEON Financial Service cũng đã có chia sẻ tại buổi gặp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thời điểm đó giữ Phó Thủ tướng) vào năm 2019, Việt Nam luôn được AEON coi là địa bàn đầu tư quan trọng của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á với kế hoạch mở rộng lên tới 30 trung tâm thương mại có quy mô lớn với tổng tiền đầu tư rơi vào khoảng 5 tỷ USD, dự kiến mang lại 50.000 việc làm cho lao động trong nước.

Theo ông Masaki Suzuki, AEON không chỉ mạnh về bán lẻ mà còn hoạt động về tài chính, giúp tạo sức mạnh tổng hợp của tập đoàn tại quê nhà. Bởi vậy, AEOn sẽ mở rộng phạm vi hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam qua việc mua lại các công ty tài chính nước ngoài hay các doanh nghiệp có cổ phần của nhà nước.

Cách đây 2 năm, Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan cũng đã đàm phán mua lại toàn bộ vốn của SHB Finance từ SHB. Theo đó, Krungsri được SHB chuyển nhượng 50% vốn điều lệ, và tiếp tục nhận chuyển nhượng 50% vốn còn lại sau 3 năm.

SHB đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ số vốn 50% vốn điều lệ đầu tiên tại SHB Finance cho đối tác Krungsri hồi tháng 5/2023. Ngoài ra, ngân hàng của Thái Lan cũng đã đưa nhân sự vào những vị trí lãnh đạo quan trọng của SHB Finance.

Krungsri đã không hề giấu diếm tham vọng đứng đầu mảng tài chính tiêu dùng tại Việt Nam thông qua khoản đầu tư tại SHB Finance. Theo kỳ vọng của ông Kenichi Yamato – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ngân hàng Krungsri, dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng cao nhờ tiềm năng tăng trưởng hàng năm 6-7%, bên cạnh đó là cơ hội kinh doanh bứt phá nhờ tiêu dùng gia tăng. Ông cho rằng sự hợp tác giữa Krungsri với SHB Finance sẽ giúp thương hiệu được củng cố, hoạt động hiệu quả và cải thiện vị thế của SHB Finance để trở thành một công ty dẫn đầu thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Tham vọng của những “ông lớn” quốc tế khi mạnh tay mua lại công ty tài chính Việt Nam
Lotte Card của Hàn Quốc đã chi gần 1.700 tỷ đồng để mua lại Techcom Finance từ Techcombank

Trước đó, Lotte Card của Hàn Quốc đã bỏ ra gần 1.700 tỷ đồng vào đầu năm 2018 để mua lại Techcom Finance từ Techcombank. Theo đó, đây trở thành một trong những thương vụ M&A (sáp nhập và mua lại) lớn tại thị trường Việt Nam năm đó.

Không chỉ có các thương vụ mua lại toàn bộ vốn, nhiều định chế tài chính nước ngoài cũng chi hàng chục triệu đến tỷ USD để nắm giữ gần ½ cổ phần tại các công ty tài chính.

Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - một công ty con của tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản hồi năm 2021 cũng đã hoàn tất mua lại 49% vốn điều lệ của FE Credit từ VPBank. Giá trị của thương vụ này lên tới gần 1,4 tỷ USD.

Theo SMBC, khoản đầu tư FE Credit là một phần quan trọng trong chiến lược trung hạn của tập đoàn nhằm mở rộng nền tảng kinh doanh. Theo kỳ vọng, khoản đầu tư này sẽ tạo ra cú hích cộng hưởng cả 2 chiều, tiếp thu bí quyết kinh doanh của đối tác và chia sẻ bí quyết kinh doanh của mình.

MB và HDBank trước đó cũng đã bán 49% công ty tài chính trực thuộc cho Shinsei Bank và Tập đoàn Saison Nhật Bản.

Hiện nay, MSB đã làm việc với các đối tác là định chế tài chính nước ngoài để bán toàn bộ hoặc một phần vốn góp tại công ty tài chính FCCOM.