Dòng vốn tự doanh trở lại dẫn dắt thị trường

Báo cáo triển vọng năm 2024 của Chứng khoán FPTS nhận định, tính từ đầu năm 2023 đến nay, quy luật biến động của VN-Index đã ghi nhận đỉnh và đáy mới cao dần. Cho đến thời điểm hiện tại, ngưỡng giới hạn đỉnh và đáy mới được xác định lần lượt tại các mức 1.245 và 1.028 điểm.

Đặc trưng biến động này có nghĩa là kịch bản thị trường vẫn đang trong pha Bull Market của chu kỳ biến động. Trong đó, vùng hỗ trợ 1.000 - 1.020 điểm đóng vai trò hỗ trợ biến động cũng như bảo toàn kịch bản thị trường, còn ngưỡng kháng cự 1.245 điểm là mục tiêu biến động trung hạn của VN-Index.

Về diễn biến thanh khoản, tính từ đầu tháng 6/2023 đến nay đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể. Sức mua toàn thị trường theo tuần cũng ghi nhận mức trung bình tương ứng khoảng 3,79 tỷ đơn vị cổ phiếu/tuần, tương ứng với giai đoạn thị trường nửa đầu năm 2021 (trung bình khoảng 3,5 tỷ đơn vị cổ phiếu/tuần).

Chứng khoán FPTS cho rằng, dòng vốn tự doanh đóng vai trò dẫn dắt biến động thị trường. Sau khi kết thúc trạng thái giao dịch phân hóa trong năm 2022, dòng vốn tự doanh chủ yếu tập trung mua ròng trên thị trường cơ sở và trạng thái này kéo dài trong suốt diễn biến giao dịch năm 2023. Theo đó, giai đoạn tăng giá vào quý 1/2023 và quý 3/2023, thị trường đều nhận được sự hưởng ứng từ dòng tiền này trên diện rộng.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, sự xuất hiện của các dòng vốn lớn trong giai đoạn thị trường hình thành nền tảng đầu chu kỳ là một yếu tố quan trọng. Sự trở lại của dòng vốn tự doanh năm 2023 (giai đoạn chuyển giao chu kỳ) là dấu hiệu tích cực. Điều này hàm ý các kỳ vọng theo chiều tăng giá đang tiềm ẩn trong tầm nhìn trung và dài hạn.

Thị trường chứng khoán có thể kết thúc giai đoạn giằng co trong quý 1/2024
Biến động VN-Index và giao dịch tự doanh

Đặc biệt, hành vi giao dịch đặc thù của dòng vốn tự doanh trong năm 2023 vừa qua là liên tục gia tăng tích lũy cổ phiếu tại cuối các nhịp thị trường giảm mạnh, trong bối cảnh sức mua của dòng vốn này ngày càng gia tăng.

Ở diễn biến khác, áp lực bán ròng từ khối ngoại suy yếu. Diễn biến giao dịch ròng trong hơn 1 năm gần nhất của dòng vốn nước ngoài đã tạm ngắt trạng thái bán ròng kéo dài từ quý 2/2019 đến quý 2/2022. Dù áp lực bán trở lại diễn ra từ tháng 4/2023 đến nay, nhưng động thái này chưa phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực tích lũy cổ phiếu trong diễn biến đầu năm 2023.

Về mức độ ảnh hưởng, chuyên gia phân tích đến từ FPTS đánh giá hành vi giao dịch của dòng vốn ngoại chỉ tác động đến những biến động ngắn hạn của thị trường. Theo đó, động thái bán ròng tập trung vào nửa cuối năm 2023 của dòng vốn này có thể không làm ảnh hưởng đến kịch bản chu kỳ thị trường trong trung và dài hạn.

Quý 1/2024 sẽ là tín hiệu xác nhận giai đoạn giằng co kết thúc

Theo quan sát biến động và các ngưỡng tâm lý ngắn hạn, chuyên gia FPTS đánh giá thị trường đang thực hiện giai đoạn “Shake-out” - biến động giằng co thường thấy vào trước giai đoạn thị trường Middle Bull Market - xu hướng tăng giá.

Như vậy, VN-Index vượt ngưỡng tâm lý ngắn hạn 1.130 - 1.140 điểm trong quý I/2024 sẽ là tín hiệu xác nhận kết thúc giai đoạn biến động giằng co. Theo đó, các vị thế giao dịch ngắn hạn được khuyến nghị chờ mua khi thị trường xác nhận hoàn thiện giai đoạn Shake-out trong quý 1/2024.

FPTS cho rằng, nhìn chung kịch bản biến động trong năm 2024 của VN-Index là Middle Bull Market của chu kỳ thứ 6. Trong đó, xu thế chủ đạo là tăng giá và mục tiêu kiểm định “điểm uốn”, tương ứng vùng 1.400 điểm.

Thị trường chứng khoán có thể kết thúc giai đoạn giằng co trong quý 1/2024
VN-Index vượt ngưỡng tâm lý ngắn hạn 1.130 - 1.140 điểm trong quý I/2024 sẽ là tín hiệu xác nhận giai đoạn biến động giằng co kết thúc

Triển vọng lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2024

Khép lại năm 2023 vừa qua, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng hơn 12% so với năm 2022. Mức tăng trưởng này thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, nhưng vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều thị trường lớn.

Bước sang năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá sẽ dần khởi sắc hơn với động lực được các công ty chứng khoán nhìn nhận đến từ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đảo chiều chính sách, tình hình vĩ mô trong nước ổn định cũng như khả năng tăng trưởng tích cực của các doanh nghiệp.

Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán VNDirect đưa ra quan điểm lạc quan về thị trường chứng khoán trong năm 2024 với kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể đạt vùng 1.400 - 1.450 điểm.

Đội ngũ phân tích VNDirect cho rằng hiện tại là thời điểm thích hợp để đầu tư trung và dài hạn vào kênh chứng khoán do định giá thị trường đang khá hấp dẫn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động thấp cũng như thu nhập toàn thị trường được dự báo có thể cải thiện kể từ quý 4/2023.

Tương tự, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cũng dự báo VN-Index có thể tăng lên mức 1.460 điểm vào năm 2024 với P/E trung bình là 14,x lần. Công ty chứng khoán này kỳ vọng thu nhập trung bình của các công ty niêm yết sẽ phục hồi mạnh với mức tăng trưởng 15% so với mức nền thấp của năm 2023. Công ty chứng khoán này dự báo, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HoSE và HNX trong năm 2024 có thể đạt 21.750 tỷ đồng (bao gồm cả lệnh thỏa thuận và khớp lệnh).

Chứng khoán Phú Hưng tin rằng lạm phát toàn cầu đang dần được kiểm soát, các ngân hàng trung ương trên thế giới sắp đi đến hồi kết của lọ trình tăng lãi suất và dự kiến sớm có tín hiệu đảo chiều chính sách sang nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ từ phía trong nước cũng giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt được mục tiêu của Chính phủ. Kỳ vọng GDP sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng ổn định quanh 6,5%.

Cùng góc nhìn lạc quan, Chứng khoán MB (MBS) dự báo xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 sẽ tăng trưởng dương 6-7% trên nền thấp của năm 2023 nhờ áp lực chuỗi cung ứng hạ nhiệt đáng kể, đồng thời nhu cầu điện thoại, linh kiện điện tử đang có xu hướng tạo đáy. Về giải ngân đầu tư công ước tính đạt tỷ lệ 85 - 90% kế hoạch nhờ những nỗ lực thúc đẩy của cơ quan quản lý.

MBS cho rằng, chính sách tiền tệ sẽ ở trạng thái cân bằng hơn, hỗ trợ tích cực cho răng trưởng trong năm 2024. Lãi suất đầu vào có xu hướng tạo đáy trong Quý 1/2024 và tăng nhẹ từ giữa năm song vẫn duy trì ở nền thấp.

Về yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong năm 2024, MBS kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh vĩ mô cải thiện tích cực. Thứ hai, môi trường lãi suất thấp sẽ kích thích nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi, trong đó bao gồm Việt Nam. Thứ ba, nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang dần được tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản. Yếu tố thứ tư là hệ thống KRX khi được đưa vào vận hành sẽ tạo nền tảng cơ sở để nhiều giải pháp giao dịch mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng thị trường của Việt Nam.

Thị trường chứng khoán có thể kết thúc giai đoạn giằng co trong quý 1/2024
Năm 2024, chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn, dòng tiền trong nước và khối ngoại sẽ có diễn biến tích cực hơn

Đối với triển vọng trong năm 2024, Chứng khoán TPS đưa ra kịch bản cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.378 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm cùng với P/E mục tiêu là 15.x (tương đương với P/E trung bình 10 năm gần nhất).

Dưới góc nhìn lạc quan hơn, TPS kỳ vọng các khó khăn vĩ mô sẽ giảm dần, từ đó tạo cơ sở cho các Ngân hàng Trung ương trên thế giới nói lỏng chính sách tiền tệ. Qua đó, kích hoạt hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, TPS cho rằng mức tăng trưởng toàn thị trường từ 15% sẽ dẫn dắt chỉ số VN-Index đến quanh mức 1.450 điểm.

Sang năm 2024, chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn, dòng tiền trong nước và khối ngoại sẽ có diễn biến tích cực hơn. Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Chứng khoán Yuanta cho biết, cơ hội cho năm 2024 sẽ đến từ môi trường lãi suất thấp. Lãi suất huy động của 4 ngân hàng lớn sẽ tiếp tục theo chiều giảm. Điều này sẽ chiết khấu vào doanh nghiệp niêm yết, khiến giá cổ phiếu càng trở nên hấp dẫn hơn trong thời gian tới. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã ổn hơn. Việc hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước đã dừng lại, minh chứng là VN-Index đã tăng trở lại so với tháng 9 vừa qua.

Ngoài các tổ chức trong nước, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng cho rằng tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ là yếu tố nòng cốt dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024.

Theo ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý quỹ đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund nhận định, con số doanh thu của các công ty niêm yết tại Việt Nam sẽ đạt kỷ lục vào năm 2024 với mức tăng trưởng hơn 20%. Hiện tại, thị trường chứng khoán đang chưa phản ánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và câu chuyện giảm lãi suất.

Nhà quản lý quỹ đến từ Phần Lan này cho rằng, có nhiều lý do để kỳ vọng thị trường sẽ tăng mạnh. Chứng khoán Việt Nam đang có định giá hấp dẫn, P/E của thị trường hiện đạt 11,6 lần. Dự báo, con số này có thể rơi về mức thấp nhất là 9 lần trong năm 2024 nhờ kết quả kinh doanh cải thiện. “Hiện P/S (chỉ số giá trên doanh thu) của VN-Index đạt 1,2 lần. Tôi kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu sẽ đạt trên 20% trong 2024, đẩy chỉ số P/S về dưới 1, trừ trường hợp thị trường giảm điểm" - ông Petri Deryng dự báo.

Tương tự, VinaCapital cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam sẽ tăng vọt lên hơn 20% trong năm 2024 này.