Thu ngân sách nhà nước 7 tháng tiếp tục giảm
Thu ngân sách nhà nước 7 tháng tiếp tục giảm

Cụ thể, thu ngân sách nhà nước tháng 7/2023 ước đạt 133,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2023 ước đạt 1.016,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán năm và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, một số khoản thu chính như sau thu nội địa tháng 7/2023 ước đạt 114,3 nghìn tỷ đồng; lũy kế 7 tháng năm 2023 ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, bằng 63% dự toán năm và giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thu từ dầu thô tháng 7/2023 ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng; lũy kế 7 tháng năm 2023 ước đạt 36 nghìn tỷ đồng, bằng 85,7% dự toán năm và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 7/2023 ước đạt 14,7 nghìn tỷ đồng; lũy kế 7 tháng năm 2023 ước đạt 140 nghìn tỷ đồng, bằng 58,6% dự toán năm và giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách nhà nước tháng 7/2023 ước đạt 158,4 nghìn tỷ đồng; lũy kế 7 tháng năm 2023 ước đạt 957 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi thường xuyên 7 tháng năm 2023 ước đạt 629,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,7% dự toán năm và tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; chi đầu tư phát triển đạt 267,6 nghìn tỷ đồng, bằng 36,8% và tăng 43,2%; chi trả nợ lãi 59,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5% và tăng 0,8%.

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước giảm so cùng kỳ do tiến độ một số khoản thu, sắc thuế (tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu) và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn một số địa phương đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán và cân đối ngân sách địa phương.

Công tác triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm, kéo dài.

Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, sai phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thất thoát, lãng phí tại một số cơ quan, đơn vị.

Nguyên nhân là do một số bộ, ngành, địa phương chưa chủ động trong công tác chuẩn bị triển khai dự toán chi ngân sách nhà nước và kế hoạch vốn đầu tư công được giao, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vẫn còn tâm lý e ngại, đùn đẩy trách nhiệm.

Bên cạnh đó, trong những tháng vừa qua tiếp tục phát sinh nhiều yếu tố không thuận lợi. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất chưa được tính trong dự toán, tác động làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước năm 2023.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra.

Quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ, bội chi theo dự toán Quốc hội quyết định.

Phấn đấu thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách hỗ trợ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, xử lý thu vào ngân sách nhà nước các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước.

Điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán.

Châu Giang