Giới tư vấn, môi giới thương vụ (dealer) ghi nhận trên thị trường chứng khoán, cho biết sau một năm trầm lắng vì nhiều nguyên nhân (từ thị trường, kinh doanh gặp khó khăn của doanh nghiệp tới khâu xét duyệt hồ sơ) thì hoạt động tăng vốn/IPO/niêm yết năm 2024 sẽ hứa hẹn sôi động hơn.

Trong một dịp gặp gỡ cuối năm ngoái, nhóm dealer chia sẻ: “Chí ít thấy được sự chuyển động trong việc 'thông qua' các hồ sơ nhiều hơn. Các công việc bị ách lại trước đó đang rục rịch chạy”.

Thương vụ mới trên thị trường chứng khoán sôi động từ đầu năm 2024
Ngay những ngày đầu năm 2024 đã có nhiều thương vụ được thực hiện

Theo thống kê, mỗi năm thông thường các quỹ đầu tư tư nhân (PE) sẽ cố săn lùng để rót tiền vào vài thương vụ. Tuy nhiên, năm 2023, số lượng thương vụ mới lại vắng bóng trên thị trường. Xu hướng chung thể hiện các quỹ đầu tư đã gia tăng “sự thận trọng” khi giải ngân, trước những rủi ro từ thị trường trái phiếu, bất động sản… Như vậy, rõ ràng nhiều doanh nghiệp đã “vỡ kế hoạch” huy động vốn khi chưa đáp ứng được kỳ vọng và khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư trong thời gian qua.

KPMG Việt Nam cho rằng, rủi ro và biến động trên thị trường khiến cả bên mua và bên bán đều thận trọng hơn. Nếu trước đây các nhà đầu tư ưu tiên tăng trưởng tốt và mạnh trong thời gian ngắn, thì hiện tại chuyển sang các doanh nghiệp có tăng trưởng bền vững, như vậy tốc độ không còn là ưu tiên hàng đầu.

Năm 2024, các dealer kỳ vọng thị trường sẽ có thêm nhiều việc, tất bật hơn năm cũ. Cơ sở để có sự lạc quan này đến từ kỳ vọng nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng đang dần phục hồi, với những tín hiệu cho thấy sự xuất hiện của các yếu tố hỗ trợ tăng doanh thu, như Chính phủ đẩy mạnh vốn đầu tư công, hoạt động sản xuất trong nước và xuất khẩu dần phục hồi từ những tháng cuối năm 2023…

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, Việt Nam sẽ lọt Top 20 nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất thế giới, ước tính GDP tăng trưởng 5,8% trong năm 2024.

Đồng thời, doanh nghiệp có thể thúc đẩy kinh doanh nhờ tận dụng những xu hướng mới, như chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Xu hướng xe điện, công nghệ AI… và từ các kỳ vọng về thay đổi quy định, chính sách trong lĩnh vực BĐS, ngân hàng - tài chính… Đều là những điều kiện thuận lợi đối với các công ty huy động vốn, trong đó có kênh M&A.

Ngoài ra, một xu hướng khác là cấu trúc thương vụ, thay vì M&A thì hình thức nhà đầu tư tài chính cũng gia tăng. Chẳng hạn như công ty con của Alibaba đầu tư vào chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Hasaki; Công ty thương mại Marubeni (Nhật Bản) rót vốn vào AIG Asia Ingredients Corp thông qua công ty con Marubeni Growth Capital.

Thương vụ mới trên thị trường chứng khoán sôi động từ đầu năm 2024
Ngoài M&A thì hình thức nhà đầu tư tài chính cũng gia tăng

Sau sự kiện Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng sẽ có thêm các nhà đầu tư là quỹ PE từ Mỹ quan tâm và rót vốn vào thị trường Việt Nam.

Những ưu thế của thị trường Việt Nam là lực lượng lao động trẻ, dồi dào, lĩnh vực sản xuất quy mô lớn, nền kinh tế định hướng xuất khẩu… Bên cạnh triển vọng trở thành trung tâm sản xuất trong khu vực, Việt Nam còn hứa hẹn trở thành thị trường tiêu dùng, dân số đông và tăng trưởng mạnh tầng lớp thượng lưu.

Giới dealer lạc quan rằng, năm 2024 sẽ có cơ hội để giải ngân, khi nền kinh tế đang giảm bớt khó khăn, nhiều công ty lên kế hoạch huy động vốn trở lại. Một số quỹ đầu tư thuộc Mekong Capital, hay Asia Business Builders (ABB)…đang tìm kiếm, huy động vốn và lên kế hoạch giải ngân từ năm nay.

Theo chia sẻ từ một dealer có tiếng trên thị trường, nếu trong năm 2023 người này chịu áp lực từ cả khách hàng lẫn nhà đầu tư vì các thương vụ bị kẹt do bối cảnh chung, thì giai đoạn hiện tại đã “dễ thở hơn” khi đã có hướng ra cho các đơn đặt hàng.

“Một quý nay, team đang kết nối các nhà đầu tư với một số doanh nghiệp có nhu cầu; đồng thời, cũng thực hiện các deal mua lại doanh nghiệp sạch và khoẻ về tài chính - để chuyển đổi sang loại hình công ty đầu tư, vì nhận được khá nhiều cơ hội đầu tư tốt từ các doanh nghiệp niêm yết và sắp niêm yết. Với các deal về chứng khoán nợ, dù rằng sự thận trọng vẫn còn cao, nhưng cũng đã dễ thở hơn một chút. Dĩ nhiên, đó là sự tiến triển tích cực hơn, còn kỳ vọng sự bùng nổ thì chưa thể nói ở thời điểm này” - Dealer chia sẻ.

Thương vụ mới trên thị trường chứng khoán sôi động từ đầu năm 2024
Giai đoạn hiện tại đã “dễ thở hơn” khi đã có hướng ra cho các đơn đặt hàng

Giám đốc IR một doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế tiết lộ, vừa qua, doanh nghiệp được tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư quốc tế để thực hiện kế hoạch bán vốn chi phối hoặc bán chiến lược - từ theo đàm phán. Song chắc chắn sẽ bán được giá, vì doanh nghiệp tăng trưởng tốt, duy trì trong bối cảnh khó khăn trong vài năm qua, cũng “ghi điểm” hơn trong mắt các nhà đầu tư.

Hơn một năm qua, rất nhiều dự án không thể triển khai, kế hoạch huy động vốn đình trệ, ảnh hưởng tới các hoạt động phát triển dự án. Sang năm 2024, một doanh nghiệp BĐS cho biết đang đẩy mạnh công tác IR, tích cực làm việc với đối tác tài chính, nhà đầu tư nhằm huy động vốn.

Đại diện doanh nghiệp cho biết: “Phải huy động vốn qua các kênh cổ phiếu, trái phiếu, nhà đầu tư tài chính, chiến lược… mới có thể phát triển hoạt động trong giai đoạn tiếp theo”.

Được biết, ở các doanh nghiệp BĐS có sẵn quỹ đất, có triển vọng phát triển kinh doanh, các thì “đơn hàng” huy động vốn cho lĩnh vực này vẫn còn nhiều.

Theo Giám đốc IB một công ty chứng khoán, trong quý IV/2023, vị này liên tục đi công tác nước ngoài để trao đổi cùng các nhà đầu tư rót vốn vào một doanh nghiệp trong ngành bán lẻ. May mắn là tiến trình đang đi đến những bước cuối, chốt được cấu trúc deal và dự kiến hoàn thành trong năm nay.