Từ sự cố ngân hàng thế giới, xem xét giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài
Ảnh minh họa.

Ngân hàng không được đánh giá thấp rủi ro

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, khoảng thời gian 6 tháng đầu năm 2023 đã chứng kiến những sự cố lớn đối với một số định chế tài chính ở một số nền kinh tế có nhiều kết nối và ảnh hưởng trên thị trường tài chính quốc tế.

Tại Mỹ, Silvergate Bank - một ngân hàng tiền ảo - đã phải tuyên bố đóng cửa vào ngày 8/3/2023 và tiến hành các biện pháp thanh lý tài sản. Sáng 10/3/2023, ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã chính thức dừng hoạt động. Ngân hàng Signature đã bị cơ quan quản lý của Mỹ ra quyết định đóng cửa vào ngày 12/3/2023. Ngân hàng First Republic đã chính thức phá sản vào ngày 01/5/2023.

Không chỉ ở Mỹ, Thụy Sỹ cũng có ngân hàng lớn gặp sự cố. Cụ thể, sự cố xảy ra với Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ và là một trong số 30 ngân hàng toàn cầu, có chi nhánh ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới.

Theo ông Dương, từ sự cố của các ngân hàng trên thế giới rút ra bài học cho Việt Nam như khi giám sát hoạt động của ngân hàng thì không được đánh giá thấp rủi ro của mọi loại tài sản; cần đánh giá sớm và đúng mức tác động dây chuyền của sự cố ngân hàng; cần bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; cần thận trọng khi cân nhắc các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị (ESG); và công tác điều hành lãi suất để kiểm soát lạm phát cần phải tính toán thấu đáo đến các kênh truyền dẫn của chính sách tiền tệ, cũng như ảnh hưởng đối với hoạt động ổn định và an toàn của các ngân hàng.

6 giải pháp cho Việt Nam

Để ổn định hệ thống tài chính ở Việt Nam, báo cáo của CIEM nêu rõ, tại Việt Nam cần kết hợp tái cơ cấu hệ thống ngân hàng với việc điều chỉnh cấu trúc của thị trường tài chính cho phù hợp với cấu trúc kinh tế; gắn kết các thị trường cấu thành (bao gồm thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường ngoại hối) vận hành thành một thể thống nhất, ăn khớp bổ trợ cho nhau theo hướng cùng hoạt động an toàn, cạnh tranh và hiệu quả, hướng tới việc thực hiện các mục tiêu cuối cùng chứ không chỉ là các mục tiêu trung gian của chính sách tiền tệ.

Thứ hai, xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh, cạnh tranh, với nền tảng thể chế và thông tin minh bạch, qua đó giúp hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) và thị trường tài chính phát triển ổn định.

Thứ ba, các NHTM cần có những đổi mới mạnh mẽ, trong quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro, năng lực tài chính và xây dựng những điều kiện tín dụng mới, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn của nhiều nhóm doanh nghiệp, nhất là các nhóm đối tượng ưu tiên.

Quá trình đổi mới quản trị ngân hàng đòi hỏi Việt Nam cần có cách tiếp cận mở hơn để điều tiết ngành ngân hàng, bao gồm mở hơn đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM. Để làm được như vậy, Việt Nam cần tích cực tham gia trao đổi, đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng hiện có của ngành ngân hàng.

Thứ tư, củng cố, đổi mới và hoàn thiện hệ thống thanh tra giám sát thị trường lên một tầm cao mới với những mô hình giám sát bao trùm được các hoạt động phức tạp, đa dạng của thị trường tài chính. Yêu cầu báo cáo thông tin cần được hoàn thiện và thực thi chặt chẽ hơn, nhằm: (1) bảo đảm NHNN kịp thời nắm bắt được các diễn biến mới trên thị trường; và (2) giảm được chênh lệch thông tin giữa NHNN và các NHTM, đặc biệt là liên quan đến rủi ro mất cân đối kỳ hạn (nếu có).

Thứ năm, Việt Nam cần cập nhật chiến lược phát triển ngành ngân hàng, bao gồm các ngân hàng mạnh và yếu. Với chiến lược đó, Việt Nam cần chủ động đưa ra các mục tiêu cụ thể lên quan đến nâng cao mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào ngành ngân hàng để cải thiện uy tín và áp dụng các thông lệ hiện đại trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, chiến lược phát triển ngành ngân hàng nên có các mục tiêu và biện pháp có thể thực hiện sớm, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư về chiến lược phát triển của ngành.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoàng Dương, cần cân nhắc đa chiều và hài hòa trong việc điều hành công cụ chính sách tiền tệ hướng tới kiểm soát lạm phát và giữ ổn định hệ thống NHTM. Một mặt, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá các tác động có thể có của diễn biến/sự cố đối với các NHTM trên thế giới đối với kinh tế và hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) của Việt Nam.

Mặt khác, chỉ tập trung vào kiểm soát lạm phát và giữ ổn định hệ thống các TCTD mà không lưu tâm đúng mức đến đa dạng hóa các các sản phẩm tín dụng phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp và các ngành nghề thì cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng và hiệu quả phân tán rủi ro của hệ thống các TCTD.

Châu Giang