Mới đây, Fed đã quyết định duy trì mức lãi suất cơ bản 5,25% - 5,5%, đồng thời phát đi những tín hiệu về việc hạ lãi suất từ năm 2024. Ngay sau động thái của Fed, Ngân hàng Trung ương Anh và châu u đều giữ nguyên lãi suất. Thực tế cho thấy, việc Fed và các ngân hàng trung ương lớn chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất có nhiều tác động tích cực đến thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Tỷ giá USD/VND vẫn sẽ nhích nhẹ?

Thời điểm Fed chưa tỏ rõ dấu hiệu ngừng tăng lãi suất, áp lực tỷ giá hối đoái của Việt Nam vẫn ở mức khá lớn. Trong năm 2023, đà tăng của tỷ giá bắt đầu từ giữa tháng 8, đến nửa cuối tháng 10 thì đạt đỉnh. Cũng có thời điểm, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đạt mức 24.600 đồng/USD. Tuy nhiên, đến ngày 14/12 tỷ giá VND/USD đã giảm khoảng 1,48% và đang được giao dịch ở mức 24.235 đồng/USD. Thời điểm hiện tại, tỷ giá chỉ tăng khoảng 2,7% so với hồi đầu năm, vẫn trong biên độ mục tiêu biến động 3%.

Tỷ giá từ nay đến Tết Nguyên đán được các chuyên gia dự đoán ra sao?
Thời điểm Fed chưa tỏ rõ dấu hiệu ngừng tăng lãi suất, áp lực tỷ giá hối đoái của Việt Nam vẫn ở mức khá lớn. Ảnh minh họa

Động thái Fed ngừng tăng lãi suất và dự kiến sẽ có ít nhất 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm tới, thặng dư thương mại trong nước ở mức cao, FDI và kiều hối tích cực sẽ trở thành cơ sở để tỷ giá bước vào xu hướng ổn định. Đáng chú ý, sau công bố của Fed vào ngày 14/12 đến nay, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đã giảm mạnh xuống còn 102,55 điểm. Diễn biến tỷ giá trong nước cũng có nhiều điểm tích cực khi tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm từ 30 - 80 đồng/USD, phổ biến ở mức mua vào 24.060 đồng/USD và bán ra 24.350 - 24.390 đồng/USD.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định, thời điểm Mỹ áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất liên tục đã đẩy ‘đồng bạc xanh’ lên cao. Do đó, việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ giúp gỡ bỏ áp lực lên tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhu cầu về ngoại tệ từ nay đến cuối năm 2023 và tháng 1 năm tới để nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu cho mùa sản xuất, bán hàng cao điểm vẫn cao, có thể tỷ giá USD/VND vẫn nhích nhẹ, nhưng sẽ tăng không quá 3%.

Còn theo nhóm phân tích của BIDV, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm nhẹ. Đáng chú ý, yếu tố hỗ trợ tỷ giá gồm có môi trường quốc tế thuận lợi khi chỉ số USD dự kiến duy trì ở mặt bằng thấp, trong khi cung cầu ngoại tệ dồi dào. Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất tiếp tục duy trì âm sâu có thể ngăn cản tỷ số giảm không quá mạnh.

Tỷ giá từ nay đến Tết Nguyên đán được các chuyên gia dự đoán ra sao?
Theo nhóm phân tích của BIDV, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm nhẹ. Ảnh minh họa

Thậm chí, có chuyên gia còn nhận định, trong giai đoạn nửa sau năm 2024 nếu lãi suất đồng USD thực sự giảm xuống, Fed cắt lãi suất thì một phần lượng tiền gửi bên ngoài hệ thống sẽ quay trở lại, giúp VND tăng giá.

Lãi suất giảm, song cung tiền sẽ cao hơn

Theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, tác động của chính sách Fed đến kinh tế Việt Nam sẽ có tác động tích cực đến nhiều hoạt động, tạo cơ hội giảm thêm mặt bằng lãi suất trong nước, từ đó giảm bớt gánh nặng nợ, kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Các chuyên gia cho rằng, dù lãi suất giảm nhưng cung tiền sẽ cao hơn vì thanh khoản cải thiện khi nhà đầu tư bắt đầu mua ròng USD trở lại. Hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài cùng hoạt động xuất khẩu cũng sẽ được hưởng lợi.

Theo đó, khi Fed giảm lãi suất thì chính sách tiền tệ cũng nới lỏng hơn hiện tại, mặt bằng lãi suất có thể giảm thêm, kích thích tiêu dùng, các đơn đặt hàng từ nước ngoài sẽ hồi phục, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ tăng trở lại. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi nước Mỹ mà sẽ lan tỏa ra nhiều thị trường khác, giúp kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể tăng trưởng nhanh hơn dự báo.

Tỷ giá từ nay đến Tết Nguyên đán được các chuyên gia dự đoán ra sao?
Các chuyên gia cho rằng, dù lãi suất giảm nhưng cung tiền sẽ cao hơn vì thanh khoản cải thiện khi nhà đầu tư bắt đầu mua ròng USD trở lại. Ảnh minh họa

Xét bối cảnh hiện tại và động thái của Fed, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành. Trong quý đầu năm tới, Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh giảm lãi suất ở mức 0,25-0,5 điểm % lãi suất điều hành, tạo cơ sở để thị trường giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, ‘đồng bạc xanh’ giảm so với những đồng tiền khác khiến nhiều tập đoàn, nhà đầu tư Mỹ có xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Đối với việc thu hút dòng vốn ngoại, tỷ giá hối đoái ở Việt Nam là một yếu tố vô cùng quan trọng. Trong những năm qua, khi VND có mức giảm giá thấp hơn nhiều so với đồng tiền ở nhiều nước, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn ở mức cao, thậm chí còn tăng.

Với nhiều tập đoàn nước ngoài, tỷ giá ổn định chính là yếu tố quan trọng nhất. Điều này giúp họ đưa ra được kế hoạch và chiến lược kinh doanh mang tính dài hạn. Việc giữ ổn định tỷ giá hối đoái còn giúp hoạt động xuất khẩu phát triển, bởi hầu hết các hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu đều dùng USD.