Giá vàng trong nước tiến sát mốc 75 triệu/lượng

Sáng nay (5/12), giá vàng thế giới đã giảm mạnh sau khi lập kỷ lục. Ngược chiều, giá vàng trong nước vẫn tăng tốc, lên mốc 74 triệu đồng/lượng.

Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 73 triệu đến 74,2 triệu đồng/lượng đối với mua vào và bán ra, so với sáng 4/12 đã tăng 200.000 đồng/lượng. Giá nhẫn tròn trơn loại 1-2-5 chỉ đang được niêm yết ở mức 61,5 đến 62,65 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji niêm yết vàng SJC 72,9 đến 74,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra.

Tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, vàng SJC mua vào đang có giá 73,05 triệu đồng/lượng, bán ra là 74,15 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn niêm yết 61,98 - 63,13 triệu đồng/lượng với chiều mua vào - bán ra.

Vàng sát mốc 75 triệu/lượng: Nhà đầu tư ‘ôm vàng’ chốt lời thay vì bỏ tiền vào các kênh đầu tư khác
Sáng nay (5/12), giá vàng thế giới đã giảm mạnh sau khi lập kỷ lục nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng tốc, lên mốc 74 triệu đồng/lượng. Ảnh minh họa

Cũng tại thời điểm này, giá vàng thế giới lại giảm 64 USD/ounce so với sáng qua, xuống còn 2.037 USD/ounce. Điều đáng nói, giá vàng thế giới giảm sốc sau khi lập đỉnh vào ngày hôm qua, trong bối cảnh chỉ số USD Index tăng 0,37 điểm lên 103,64 điểm. Điều này đã khiến giá trị của ‘đồng bạc xanh’ sụt giảm so với nhiều đồng tiền mạnh khác trên thế giới. Đồng thời, thị trường vàng quốc tế cũng rơi vào thế bất lợi.

Bên cạnh đó, giá vàng thế giới hôm nay sụt giảm khi lãi suất trái phiếu Mỹ tăng lên 4,4%/năm. Yếu tố này đã thúc đẩy nhiều người dồn vốn vào trái phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc, dòng tiền chảy vào kim loại quý đã bị hạn chế. Do đó, theo suy đoán của giới đầu tư thì giá vàng có thể giảm nên họ đã bán ra để thu lợi nhuận.

Với việc giá vàng thế giới tăng giảm đột ngột, các doanh nghiệp vàng đã nới rộng khoảng cách mua vào và bán ra lên trên 1 triệu đồng/lượng để có thể đề phòng rủi ro. Trong khi đó, giá vàng trong nước vẫn duy trì đà tăng bởi đây đang là thời điểm cuối năm, nhiều người dân đã tích lũy dồn mua vàng trong bối cảnh nguồn cung vàng miếng SJC nhiều năm không đổi, thế nên đã đẩy giá lên cao.

Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước ngày 5/12 niêm yết tỷ giá trung tâm 23.939 đồng/USD, so với sáng ngày hôm qua đã tăng 16 đồng/USD. Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh tăng nhẹ tỷ giá USD quanh mức 24.245 - 24.540 đồng/USD.

Đầu tư vàng bất ngờ ‘lên ngôi’

Đối với thị trường trong nước, nếu như trước đây việc gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản hay chứng khoán mới là những kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn nhất, được ưu tiên hàng đầu thì đến nay thời thế đã đổi thay, vàng lại là từ khóa được mọi người quan tâm nhiều nhất.

Vàng sát mốc 75 triệu/lượng: Nhà đầu tư ‘ôm vàng’ chốt lời thay vì bỏ tiền vào các kênh đầu tư khác
TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, người dân nên cẩn thận và cân nhắc thật kỹ lưỡng về việc mua bán vàng, theo dõi một cách sát sao thị trường vàng thế giới cũng như thị trường vàng trong nước. Ảnh minh họa

Thực tế, lãi suất gửi tiết kiệm tại các ngân hàng từ đầu năm đến nay liên tục giảm trong khi thị trường bất động sản vẫn chìm sâu trong ảm đạm, khó khăn. Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng trồi sụt thất thường. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư đã dần để mắt đến giá vàng và coi đây là một kênh đầu tư ‘hái ra vàng’ trong thời điểm hiện tại.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, người dân nên cẩn thận và cân nhắc thật kỹ lưỡng về việc mua bán vàng. Tốt nhất nên theo dõi một cách sát sao thị trường vàng thế giới cũng như thị trường vàng trong nước. Ngoài ra, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyên các nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một rổ”, tốt nhất chỉ dùng khoảng 1/3 tiền tiết kiệm để mua vàng, còn lại có thể đầu tư vào chứng khoán, bất động sản hoặc những kênh đầu tư khác, đặc biệt là không vay tiền, vay vàng để chơi vàng.

TS Nguyễn Trí Hiếu bổ sung: “Các nhà đầu tư cũng không nên đầu tư vàng theo kiểu “lướt sóng”, mua ngày hôm nay và bán ra ngày hôm sau để chốt lời bởi thị trường vàng luôn có những biến động khôn lường”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành FIDT, đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, nhận định, hiện tại là thời điểm lý tưởng để chốt lời với vàng chứ không phải để mua vào. Ông Huấn cho rằng, nếu giá vàng tăng 15% thì nên bán, còn giảm từ 10% thì nên mua.

Giá vàng trong nước sẽ giảm khi nào?

Dù đang ở mức ‘đỉnh’ lịch sử, song giá vàng thế giới vẫn đang thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 14 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng. Lý giải về vấn đề này, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, cho biết giá vàng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới là bởi Ngân hàng Nhà nước không quản lý về giá và các công ty tư nhân định giá dựa trên nhu cầu cung – cầu của thị trường.

Tức là, khi có nhiều người bán ra thì nguồn cung vàng nhiều, các công ty sẽ hạ giá mua cũng như bán xuống và ngược lại. Vàng SJC từ trước đến nay không có nguồn cung, mà nguồn cung chỉ từ việc người dân bán ra mà thôi. Nếu người dân không bán, nguồn cung sẽ trở nên ít ỏi và khan hiếm, đẩy giá vàng ngày càng tăng.

Vàng sát mốc 75 triệu/lượng: Nhà đầu tư ‘ôm vàng’ chốt lời thay vì bỏ tiền vào các kênh đầu tư khác
Giá vàng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới là bởi Ngân hàng Nhà nước không quản lý về giá và các công ty tư nhân định giá dựa trên nhu cầu cung – cầu của thị trường. Ảnh minh họa

Từ trước đến nay, mức chênh lệch bình quân của giá vàng SJC so với thế giới luôn dao động trong khoảng trên dưới 12 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, bình quân mức chênh lệch thời điểm hiện tại của giá vàng trong nước so với thế giới đã lên đến 13 – 14 triệu đồng/lượng vì nhu cầu quá lớn.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nguyên nhân khiến giá vàng trong nước chênh nhiều với giá vàng thế giới là bởi, tại Việt Nam chỉ có Ngân hàng Nhà nước là đơn vị nhập khẩu vàng duy nhất trên thị trường. Nguồn cung kém dồi dào, không đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của thị trường vàng đã đẩy giá vàng tăng cao, đồng thời kéo rộng độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước cũng như giá vàng thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, ông Huỳnh Trung Khánh cho biết, trước mắt vẫn chưa cần điều chỉnh Nghị định 24, thế nhưng về phía Ngân hàng Nhà nước nên cho một số đơn vị lớn như PNJ, DOJI, SJC nhập 500kg/ doanh nghiệp để làm nguyên liệu, sản xuất vàng nữ trang. Đồng thời, số lượng vàng này sẽ được nhập chia thành các đợt, đồng thời các công ty phải cam kết sẽ không bán số vàng đó ra thị trường mà chỉ sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất nữ trang.

Nếu như Nghị định 24 được sửa đổi, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước đưa ngành vàng nữ trang trở thành ngành kinh doanh không cần điều kiện. Ngoài ra, vàng miếng cũng xin được kinh doanh một cách tự do và không có độc quyền. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn kinh doanh vàng miếng như một mặt hàng bình thường khác còn việc nhập nguyên liệu vẫn được kiểm soát bởi Ngân hàng Nhà nước.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, tốt nhất nên xem xét lại việc Ngân hàng Nhà nước tham gia vào thị trường vàng với tư cách thành viên. Ngoài ra, hãy để các công ty kinh doanh vàng có uy tín và có thực lực tài chính tham gia thị trường nhập khẩu vàng, dần mở rộng quy mô nguồn cung vàng, giúp giá vàng trong nước đi xuống và duy trì ở mức ổn định.