VEAM lãi ròng 6.226 tỷ đồng và có 6.666 tỷ đồng gửi BIDV
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, do lợi nhuận từ công ty liên kết tăng mạnh 34% lên 6.408 tỷ đồng, VEAM lãi ròng 6.226 tỷ đồng trong nửa đầu năm, vượt 10% so với kế hoạch đề ra cho cả năm 2023.

Quý này, doanh thu tài chính của VEAM tăng 34% lên gần 6.170 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng gấp gần 8 lần cùng kỳ lên hơn 13 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế quý này tăng 33% lên 6.071 tỷ đồng.

Là doanh nghiệp kinh doanh chính trong lĩnh vực cơ khí nông nghiệp nhưng nhiều năm qua, nguồn thu lớn nhất của VEAM lại đến từ các liên doanh nên lợi nhuận thường cao gấp nhiều lần doanh thu. Hiện VEAM sở hữu 30% cổ phần tại liên doanh Honda Việt Nam, 20% vốn tại Toyota Việt Nam và 25% tại Ford Việt Nam.

Doanh thu thuần của VEAM 6 tháng đầu năm đạt 177 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp giảm 47% xuống còn 15 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 6.408 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí tài chính tăng gấp 5,1 lần lên 26 tỷ đồng. Nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của VEAM tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 6.226 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh, VEAM đặt mục tiêu doanh thu của công ty mẹ năm 2023 ở mức 1.187 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần so với mức thực hiện năm 2022, mục tiêu doanh thu tài chính ước tăng 11,2%. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận sau thuế gần như không đổi, đặt ở mức 5.699 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, VEAM hoàn thành được 14,9% kế hoạch doanh thu và đã vượt gần 10% so với kế hoạch lợi nhuận năm.

Tổng tài sản của VEAM tại ngày 30/6 tăng 30% so với đầu kỳ, lên 26.063 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn khác tăng gấp 2,1 lần đầu kỳ lên 7.106 tỷ đồng, chiếm phần lớn là 5.844 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia từ Công ty Honda Việt Nam, gấp gần 2,7 lần đầu kỳ.

VEAM có 1.238 tỷ đồng hàng tồn kho, nhưng có tới 394 tỷ đồng dự phòng. Trong đó, thành phẩm chiếm phần lớn với 854 tỷ đồng, mức dự phòng gần 317 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng tương ứng khoảng 1/4 tới 1/3 lượng hàng hóa. Đây là mức dự phòng khá cao so với một công ty sản xuất.

Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của VEAM là các khoản đầu tư tài chính với 14.142 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (tăng 19%) và 3.144 tỷ đồng đầu tư dài hạn (tăng không đáng kể).

Toàn bộ khoản đầu tư ngắn hạn là tiền gửi ngân hàng (chiếm 54% tổng tài sản), trong đó, công ty có 6.666 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, 2.135 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, 2.053 tỷ đồng gửi tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á…

Với mục đầu tư dài hạn, công ty có 2.656 tỷ đồng đầu tư vào công ty con và 707 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết. Khoản cổ tức, lợi nhuận từ các công ty này và lợi nhuận tiền gửi đóng góp phần lớn doanh thu tài chính cho VEAM, giúp công ty duy trì mức lợi nhuận cao nhiều năm nay.

Nợ phải trả của VEAM giảm 21% xuống 935 tỷ đồng. Phần lớn là 600 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, phải trả ngắn hạn khác 190 tỷ đồng, chi phí phải trả ngắn hạn 42 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của VEAM tại ngày 30/6 tăng 33% lên 25.128 tỷ đồng, chủ yếu do mức tăng gấp 2,1 lần của khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, VEAM dự kiến chia cổ tức năm 2022 tỷ lệ 37,3% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu sở hữu, cổ đông nhận về 3.734 đồng). Với hơn 1,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM sẽ chi hơn 4.962 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Như vậy, Bộ Công Thương, cổ đông lớn nhất của VEAM, chiếm hơn 88,47% vốn cổ phần sẽ nhận về gần 4.390 tỷ đồng tiền mặt từ đợt chia cổ tức này./.