VN-Index tiếp tục tiến về 1.200 điểm

Tăng trưởng GDP quý 2/2023 tiếp tục ở mức thấp

GDP quý 2/2023 tăng trưởng 4,14%, thấp hơn so với kỳ vọng tuy nhiên đã cải thiện hơn so với mức 3.3% trong quý 1 vừa qua. Mức tăng trưởng thấp tiếp tục do ảnh hưởng bởi lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 2,5%. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (đóng góp khoảng 23% tổng GDP) chỉ tăng trưởng 1,18% - hồi phục so với mức tăng trưởng âm trong quý 1, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng cùng kỳ các năm trước.

Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp mặc dù có tốc độ tăng trưởng thấp, 3.25% nhưng luôn duy trì ổn định trong suốt nhiều năm, bất chấp những biến động kinh tế, chính trị trên thế giới.

Lĩnh vực dịch vụ có đà tăng trưởng tốt nhất, 6.11% nhờ hoạt động du lịch trong giai đoạn đầu hè và khách du lịch quốc tế gia tăng trở lại. Các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa cũng tác động tích cực tới tăng trưởng lĩnh vực dịch vụ.

FDI tích cực tháng thứ 3 liên tiếp, có 1.293 dự án được cấp phép mới (tăng 71.9% so với cùng kỳ), với số vốn đăng ký đạt 6,49 tỷ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ). Đây là tháng tích cực thứ 3 liên tiếp của dòng vốn FDI, với tổng vốn đăng ký tính từ đầu năm tới 20/06/2023 đạt 13,43 tỷ USD, dù vẫn giảm 4,3% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2023, kim ngạch XNK đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Xuất siêu 12.25 tỷ USD, gấp 10 lần cùng kỳ. Dự báo XNK có thể tiếp tục chậm trong vài tháng tới do tác động sau việc tăng lãi suất của Fed, tuy nhiên, vẫn thể hiện “tháng sau cao hơn tháng trước”, và có thể sẽ tích cực hơn từ quý 3 năm 2023 nhờ các doanh nghiệp xuất khẩu đang chuyển sang những thị trường mới, khách hàng mới.

Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 6/2023 tăng 2% so với tháng trước, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tình hình sản xuất vẫn tăng trưởng, trong đó mức độ tăng đã cải thiện hơn so với tháng 5. Các ngành sản xuất quay trở lại tăng trưởng đồng đều trong tháng 6.

S&P Global công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6/2023 của Việt Nam đạt 46,2 điểm đã cải thiện từ mức 45.3 của tháng 5/2023, cho thấy tình hình sản xuất tiếp tục suy giảm trong tháng 6 mặc dù tốc độ giảm đã có sự cải thiện so với tháng 5. Nhu cầu tiếp tục yếu khi số lượng đơn hàng mới và số đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh, mặc dù mức độ giảm đã tốt hơn tháng 5. Theo đó, sản lượng cũng giảm tháng thứ 4 liên tiếp, ở tất cả các lĩnh vực như hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian, hàng hóa cơ bản.

VN-Index tiếp tục tiến về 1.200 điểm

Chỉ số giá, tỷ giá, lãi suất đều khá ổn định

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 6/2023 tăng 0.27% so với tháng trước, tăng 2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của tháng 5, chủ yếu do giá điện EVN tăng 3% từ tháng 5. Giá điện đầu vào tăng đã khiến giá các loại hàng hóa sản xuất tăng theo trong tháng 6. Cụ thể, giá các nhóm hàng tăng đều trong tháng 5 do điện nằm trong chi phí cấu thành của đa số các loại hàng hóa dịch vụ.

Chi phí đầu vào tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp với tốc độ mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Theo đó, các công ty có thêm dư địa để giảm giá đầu ra kích cầu. Giá đầu ra đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp với tốc độ là mạnh nhất trong hơn 3 năm qua. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn với mức độ cao nhất trong gần 12 năm.

Tổng mức bán lẻ tháng 6/2023 ước đạt 506.000 tỷ, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng chậm lại đáng kể so với các tháng trước (hầu như luôn trên 10%). Người tiêu dùng có dấu hiệu tăng cường thắt chặt chi tiêu hơn và tăng tiết kiệm thay vì tiêu dùng, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% từ đầu năm đến nay trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,13%.

Giá vàng SJC trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong tháng 6/2023 ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, chênh lệch mua bán đi ngang ở mức 600,000 đồng/lượng cho thấy nhu cầu vàng và cân bằng cung - cầu tiếp tục ổn định, nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới 21%. Tỷ giá tiếp tục tăng nhẹ trong tháng 6/2023 trong khi đó giá USD giảm trên thị trường quốc tế, chỉ số US Dollar Index giảm 1,3% so với tháng trước. Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô đều đang hỗ trợ tỷ giá theo chiều giảm như xuất siêu mạnh; FDI tăng trưởng trở lại; khách quốc tế hồi phục.

Lãi suất liên NH giảm mạnh trong tháng 6. Các NHTM cũng tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trong tháng 6. Lãi suất cho vay giảm chậm hơn do tín dụng tăng chậm. Lợi suất Trái phiếu Chính phủ tiếp tục giảm ở các kỳ hạn cho thấy các rủi ro vĩ mô tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 6/2023. Nếu trong tháng 5, lợi suất trung hạn 1-2 năm giảm mạnh nhất thì sang tháng 6, lợi suất kỳ hạn dài 10 năm giảm mạnh hơn.

6 tháng cuối năm nhiều cơ hội tích cực

Dự báo, GDP dự báo cả năm 2023 có thể chỉ đạt mức 4.9% so với mức 6% hồi cuối tháng 3 bởi tăng trưởng quý 2/2023 tiếp tục ở mức thấp. Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ sẽ cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng như nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, trước bối cảnh các lĩnh vực liên quan tới xuất nhập khẩu hồi phục chậm và sự hồi phục các nền kinh tế lớn vẫn chưa rõ ràng.

Chỉ số VN-Index đóng cửa trong tháng 06/2023 tăng 4,2% so với tháng trước đó. Đồng thời, VN-Index tăng vượt lên trên đường trung bình 50 tháng và đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn cho thấy rủi ro trung hạn đã giảm đáng kể. Dòng tiền đã cải thiện tích cực hơn và chỉ báo tâm lý trung hạn tăng dần cho thấy các nhà đầu đang dần lạc quan hơn với xu hướng trung hạn.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed dự báo có thể sẽ tăng lãi suất trong tháng 07/2023, nhưng rất có thể rủi ro này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực lên diễn biến thị trường, trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Dự báo chỉ số VN-Index có thể sẽ hướng về mức 1.200 điểm trong tháng 07/2023, nhưng sẽ chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn khi thị trường đang vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023. Xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức TĂNG cho nên các nhà đầu tư có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu trong trung hạn. Công ty chứng khoán Yuanta nêu các nhóm cổ phiếu chú ý trong tháng 07/2023. Các mã cổ phiếu được khuyến nghị bao gồm: nhóm hóa chất: LAS, CSV, DGC. Sản xuất và phân phối điện: NT2. Ngân hàng: STB, VCB. Dược phẩm: DBD. Kim loại: HPG. Khai khoáng: TVD. Bán lẻ: FRT, DGW. Dịch vụ dầu khí: PVS, PVD.