VNMidcap thu hút dòng tiền mạnh nhất từ đầu năm

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động sụt giảm, dù vậy, thị trường vẫn ghi nhận mức tăng hơn 8% kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, đà tăng đã có sự phân hóa mạnh mẽ khi nhóm cổ phiếu lớn VN30 không thực sự gây chú ý, thay vào đó nhóm vốn hóa vừa VNMidcap lại thu hút dòng tiền mạnh mẽ.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước 24/11, chỉ số VNMidcap đạt 1.667 điểm, tăng gần 27,4% so với đầu năm. Đây là mức hiệu suất vượt trội hơn hẳn so với 8,7% của VN-Index và bỏ xa mức tăng vỏn vẹn chỉ 8% của VN30 kể từ đầu năm đến nay.

Đặc biệt, các cổ phiếu lớn đã thu hút dòng tiền nhà đầu tư khá tốt trong thời điểm giữa năm 2023. Tuy nhiên, kể từ tháng 9 đến nay, nhóm cổ phiếu này đã quay đầu giảm mạnh, trong khi nhóm cổ phiếu vừa vẫn giữ được nhịp khá tốt. Điều này khiến hiệu suất của chỉ số VN30 bị VNMidcap "vượt mặt" trong vài tháng gần đây.

VNMidcap hút dòng tiền mạnh mẽ, hiệu suất “vượt mặt” VN30 trong vài tháng gần đây
Hiệu suất chỉ số VN30 bị VNMidcap "vượt mặt" trong vài tháng gần đây

Trên thực tế, hiệu suất vượt trội của VNMidcap cũng không quá bất ngờ, bởi chỉ số này đã từng có biến động giảm mạnh nhất trong năm 2022 với hơn 40%, trong khi VN30 và VN-Index chỉ ghi nhận mức giảm trên 30%. Những nhịp giảm sâu trong năm trước đã củng cố thêm cơ hội hồi phục cho chỉ số trong năm nay.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Quỹ ETF DCVFM VNMIDCAP - quỹ đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu mô phỏng gần nhất biến động chỉ số VNMidcap hồi giữa năm 2022 cũng là một yếu tố tích cực giúp hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu này.

Cũng cần nói thêm rằng nhóm cổ phiếu Midcap có vốn hóa trung bình và dễ bị tác động bởi dòng tiền đầu tư hơn. Với vốn hóa thấp hơn đáng kể so với nhóm VN30, dòng tiền chuyển dịch từ nhóm Bluechips sang nhóm cổ phiếu vừa có thể dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận hơn.

VNMidcap hút dòng tiền mạnh mẽ, hiệu suất “vượt mặt” VN30 trong vài tháng gần đây

Đáng chú ý, rổ VNMidcap có 70 cổ phiếu niêm yết, trong đó đa phần là các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản. Với dự dẫn sóng của hai nhóm cổ phiếu này trong thời gian qua, dòng tiền chảy mạnh vào những cổ phiếu vừa còn dư địa tăng để tìm kiếm lợi nhuận cũng như góp phần kéo VNMidcap “bay cao”. Số liệu từ FiinGroup vào ngày 17/11 cho thấy, 5 cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm Midcap như VIX, CTD, FTS, PDR, TCH đều có mức “tăng vần lần” kể từ đầu năm.

Ngoài những cổ phiếu có tính beta cao, chỉ số VNMidcap cũng quy tụ nhiều tên tuổi lớn có nền tảng cơ bản tốt. Chẳng hạn, đà tăng tốc của một số cổ phiếu lớn từ đầu năm như CTR (+76%), FRT (+72%), BMP (+69%), DGC (+68%), GMD (+56%) cũng góp công lớn trong việc dẫn dắt nhóm này bứt phá mạnh từ đầu năm.

"Nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu trên mặt bằng đỉnh định giá"

Việc dòng tiền hiện không còn phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu lớn, mà được tạo ra chủ yếu từ nhóm Midcap cho thấy, xu hướng đầu cơ trên thị trường gia tăng trong bối cảnh cổ phiếu trụ chưa thể hiện sức mạnh. Điều này khiến cho mức tăng điểm từ đầu năm của chỉ số khá khiêm tốn, song thanh khoản vẫn liên tục cải thiện.

Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng nhóm Phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính, FiinGroup cho rằng, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là nhóm có hiệu suất tốt nhất tính từ đầu năm đến nay và định giá của nhóm này cũng đã vượt đỉnh lịch sử và vượt xa so với giai đoạn tiền rẻ năm 2021.

VNMidcap hút dòng tiền mạnh mẽ, hiệu suất “vượt mặt” VN30 trong vài tháng gần đây
Diễn biến chỉ số VN-Index

Vị chuyên gia nhấn mạnh, nhà đầu tư cần nhìn nhận thực tế là chúng ta đang nắm cổ phiếu trên mặt bằng đỉnh định giá và điều này cho thấy câu chuyện đầu tư giá trị không còn là yếu tố trọng yếu thời điểm này.

Nhìn rộng hơn về định giá trên toàn thị trường, nếu không tính đến nhóm bất động sản, P/E thị trường đã cán mốc 23,5 lần, mức này cao hơn định giá khi VN-Index vượt mốc 1.500 điểm để thiết lập mức đỉnh lịch sử từ trước đến nay.

Với định giá đang neo ở vùng đỉnh trong khi kết quả kinh doanh quý 3 kém hơn kỳ vọng, bà Vân cho rằng VN-Index cần chiết khấu sâu thêm để hấp dẫn dòng tiền hoặc các doanh nghiệp niêm yết phải tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ở phía trước. Chỉ khi đáp ứng được một trong hai điều kiện trên mới giúp nhà đầu tư có thể tránh được việc mua cổ phiếu giá cao quá đà.

Phân tích cụ thể hơn về cơ hội đầu tư của các nhóm ngành, bà Đỗ Hồng Vân nhận định có 6 nhóm ngành có khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024.

Cụ thể, với nhóm công nghệ thông tin, tiến trình chuyển đổi số và xu hướng AI đang kích thích chi tiêu cho phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt ở lĩnh vực liên quan đến cloud.

Với nhóm bất động sản khu công nghiệp, cơ hội đến từ kỳ vọng FDI vào Việt Nam cải thiện nhờ dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc và sự phục hồi ở dòng vốn từ các quốc gia truyền thống như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, giá cho thuê tăng do nguồn cung mới hạn chế.

Với nhóm dầu khí, giá dầu dự báo neo ở mức cao trong năm 2024 nhờ sản xuất công nghiệp trên đà hồi phục (với động lực chính từ Trung Quốc nhờ nỗ lực nới lỏng chính sách để thúc đẩy tăng trưởng) và nguồn cung thắt chặt khi căng thẳng địa chính trị tiếp diễn sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành tăng trưởng lợi nhuận.

Nhóm ngành xuất khẩu (thủy sản, dệt may), thép, hóa chất cũng sẽ có cơ hội tăng trưởng trong năm tới khi nhu cầu tăng lên và xuất khẩu phục hồi.

Ở chiều ngược lại, vị chuyên gia đến từ FiinGroup đánh giá triển vọng với nhóm ngân hàng, bất động sản dân cư, bán lẻ và phân bón sẽ không mấy tích cực trong năm 2024.