Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong năm 2023 là điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam năm nay. Trong quý I/2023, dù có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 33.905 doanh nghiệp (giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022) nhưng gấp 1,02 lần so với bình quân theo quý trong giai đoạn 2017 - 2022, đạt 33.191 doanh nghiệp.

Tại các quý tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, ban hành thêm nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng, ở mức trên 40.000 doanh nghiệp - ghi nhận mức cao nhất theo quý từ trong lịch sử.

Vốn vào nền kinh tế giảm sâu dù doanh nghiệp thành lập mới tăng vọt
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có đà phục hồi ấn tượng

Đến quý IV, ghi nhận 42.952 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20,2% so với cùng kỳ và gấp 1,3 lần so với mức bình quân theo quý trong giai đoạn 207 - 2022.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm nay (159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022) đã chạm kỷ lục lần đầu tiên. Con số này gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017 - 2022, tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm.

Đồng thời, số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động trong năm 2023 là 58.412 doanh nghiệp, từ đó góp phần đưa làm tăng số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, vượt mốc 200.000 doanh nghiệp (đạt 217.706 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong năm qua).

Tuy nhiên, dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng tổng số vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp và vốn bổ sung vào nền kinh tế năm nay chỉ khoảng 3,55 triệu tỷ đồng, giảm 25,3%. Có thể thấy, niềm tin kinh doanh vẫn đang duy trì nhưng người dân không còn mạnh tay chi tiền đầu tư kinh doanh như trước.

Hàng loạt doanh nghiệp âm thầm rút lui

Thực tế cho thấy, quy mô doanh nghiệp thành lập mới đang “teo tóp” dần. Ví dụ, số vốn bình quân đăng ký thành lập mới của một doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 9,5 tỷ đồng trong năm 2023, giảm 10,8% so với cùng kỳ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, số lượng doanh nghiệp thành lập mới phần lớn đều là quy mô nhỏ, có khoảng 144.400 doanh nghiệp thành lập mới với quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm đến 90,7% tổng số.

Đồng thời, số doanh nghiệp trở lại hoạt động sau một thời gian tạm ngừng kinh doanh năm 2023 là khoảng 58.400 doanh nghiệp, giảm 2,4% so với cùng kỳ. Như vậy, bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp trong năm nay đang có những mảng màu sáng tối khác nhau.

Vốn vào nền kinh tế giảm sâu dù doanh nghiệp thành lập mới tăng vọt
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023 tăng 20,5% so với cùng kỳ

Bên cạnh hàng loạt doanh nghiệp thành lập mới, gia nhập thị trường, thì số doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm trên thị trường cũng đang dần rút lui vì những khó khăn ở cả trong và ngoài nước đều đã lập kỷ lục.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có gần 172.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm 2023, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao hơn cả số doanh nghiệp thành lập mới, khoảng 13.400 doanh nghiệp.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết thêm, trong số những doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm nay, có khoảng 89.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 65.400 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, khoảng 18.000 doanh nghiệp giải thể.

Xu hướng thay đổi, người dân chưa sẵn sàng sản xuất kinh doanh

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), bức tranh doanh nghiệp của năm 2023 cho thấy dù vĩ mô được giữ ổn định, tạm “lách qua” khe cửa hẹp để tránh suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn trong nước, tuy nhiên 2023 vẫn là một năm cực kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp nội địa.

Vị chuyên gia khẳng định, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế là môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, thông thoáng đã làm hạn chế tâm lý lạc quan, tự tin của nhà đầu tư trong nước.

Vốn vào nền kinh tế giảm sâu dù doanh nghiệp thành lập mới tăng vọt
Môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi

Cũng theo TS Nguyễn Quốc Việt, phải nhìn vào số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường, nhất là nhóm doanh nghiệp có thời gian đầu tư sản xuất kinh doanh lâu năm đã rút lui, có vốn lớn, tạo ra nhiều việc làm.

Đối với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, vị chuyên gia chỉ ra hai nguyên nhân. Cụ thể là số hộ kinh doanh trước đây cần làm ăn chính thức, muốn hoàn thiện yêu cầu chuẩn hóa đầu ra, đầu vào hóa đơn chứng từ, nên đã đổi sang hình thức doanh nghiệp.

Đồng thời, trước những đòi hỏi mới, các cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trên các sàn thương mại điện tử hiện nay cũng phải đăng ký kinh doanh.

Những doanh nghiệp thành lập mới đa phần thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ nên số vốn đăng ký mới khá ít, kéo theo lượng vốn bơm vào nền kinh tế không nhiều. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong các lĩnh vực sản xuất thay vì tăng thì lại rút lui khỏi thị trường khá nhiều trong năm nay, ông Việt nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia có cùng quan điểm này, cho biết năm 2023, người dân và doanh nghiệp đang trong tình trạng khó khăn, lợi nhuận bị ăn mòn dẫn đến tâm lý phòng thủ, tiền gửi vào ngân hàng hoặc đầu cơ một số loại tài sản an toàn.

Có thể thấy, người dân và doanh nghiệp đều chưa sẵn sàng “bung tiền” để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, hay đầu tư mạo hiểm.