Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ tiềm năng
Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ tiềm năng.

Các sản phẩm hàng hiệu và cao cấp đã có mặt nhiều hơn khi thu nhập và tầng lớp trung lưu gia tăng. Sự xuất hiện của các thương hiệu cả trong và ngoài nước mang đến cho người dùng nhiều sự lựa chọn hơn nhưng cũng làm tăng cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo nhưng xu hướng bán lẻ hiện đại, bán lẻ đa kênh đang ngày càng chứng tỏ sức mạnh của mình. Năm 2022, số lượng siêu thị ở Việt Nam đạt 1.241 và trung tâm thương mại đạt 258, tăng 22-23% so với năm 2018. Nhiều chuỗi bán lẻ FMCG, dược phẩm, điện thoại di động, điện tử gia dụng v..v xuất hiện và trở nên nổi bật bởi tốc độ mở rộng mạng lưới cửa hàng nhanh chóng.

Mặc dù bị tác động bởi dịch Covid-19, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sau đó đã phục hồi, đạt 5.673 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng kép bình quân hàng năm là 7,5% trong giai đoạn 2017-2022, bao gồm cả kết quả kém tích cực trong 2020-2021. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2023, sức mua của người tiêu dùng được ghi nhận sụt giảm do tình hình kinh tế không thuận lợi, lãi suất tăng, khó khăn hơn trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng, lo ngại về sự ổn định của thu nhập, việc làm trong bối cảnh kinh tế khó khăn hơn và tình trạng sa thải ở nhiều công ty. Các công ty bán lẻ niêm yết đều báo cáo kết quả kinh doanh sụt giảm trong những tháng đầu năm 2023 (doanh thu của MWG giảm 21% trong 5 tháng 2023, PNJ: giảm 9,6% trong 6 tháng 2023) và giữ quan điểm thận trọng về triển vọng năm 2023, đặc biệt là 6 tháng 2023.

Bất chấp những thách thức trong nửa đầu năm 2023, triển vọng ngành được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn về cuối năm với dự phóng tình hình kinh tế tốt hơn. Chi tiêu của người tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ lãi suất đã có điều chỉnh giảm có thể khôi phục hoạt động tài chính tiêu dùng, thuế VAT giảm và các biện pháp của chính phủ nhằm giải quyết một số vấn đề của lĩnh vực bất động sản và tài chính v.v. Mô hình dân số đông và đang tăng trưởng kéo theo nhu cầu các sản phẩm thiết yếu vẫn được chú trọng nhất là yếu tố thúc đẩy tiêu thụ các nhóm sản phẩm thiết yếu, trong khi tầng lớp trung lưu mở rộng có thể hỗ trợ tăng trưởng cho nhóm hàng xa xỉ. Nhìn chung, về dài hạn, nền kinh tế đang phát triển, dân số lớn và ưa thích kết nối, quá trình đô thị hóa, thu nhập gia tăng và mức sống cao hơn chính là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ Việt Nam./.